Nhớ về một cái tết chiến khu ()

Nội dung bài viết:

                                                                                         NHỚ VỀ MỘT CÁI TẾT CHIẾN KHU

 

                                                                                                     Nguyễn An Vinh

                                                                         Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên cán bộ Ban Kinh tài

 

Đó là vào đầu năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam có nhiều thắng lợi lớn, nhưng cũng rất ác liệt, khó khăn.

          Như đã thành quy luật, cứ mỗi mùa khô là một mùa chiến dịch và chiến thắng.

          Lúc ấy, ta đang chuẩn bị mở chiến dịch Đướng 9 - Nam Lào. Như “đánh hơi” được ý đồ của ta, địch cũng chuẩn bị mở cuộc hành quân “Lam Sơn - 719”. Để phối hợp với chiến trường chính, trên địa bàn Tây Nguyên địch tiến hành nhiều cuộc càn quét vào vùng giải phóng nhằm thăm dò và phân tán lực lượng của ta. Khoảng giữa tháng chạp âm lịch, chúng “thu quân về ăn tết”.

Anh, chị, em trong Ban Kinh tài tỉnh Đắk Lắk

Phần ta, vừa xong đợt chiến đấu chống càn, thì một không khí chuẩn bị cho chiến dịch, tuy bí mật nhưng không kém phần náo nức trong các đơn vị lực lượng vũ trang và cả trong các cơ quan Dân, Chính, Đảng. Còn hơn mười ngày nữa mới đến tết Nguyên đán, nhưng tất cả các cơ quan đều được tổ chức ăn tết trước để mấy ngày sau đó là phần lớn lực lượng sẽ “đi phía trước” (Phục vụ chiến đấu) cho kịp với chiến dịch mở màn vào những ngày đầu năm mới.

          Chiều 30 tết. Ở cơ quan Ban Sản xuất chúng tôi, những anh chị em thanh niên khỏe mạnh được phân công đi làm nhiệm vụ, đã lên đường. Còn lại, một số cán bộ làm công tác chuyên môn ở “phía sau”, trong đó có tôi. Một không khí rạo rực của ngày tất niên và ký ức của cái tết cứ dâng lên, lâng lâng trong lòng. Không có mùi hương trầm truyền thống, cũng chẳng có cỗ bàn (vì tiêu chuẩn tết đã được ăn trước rồi), chúng tôi, như những ngày thường, lại “đánh chén” một bữa tất niên bằng “cơm củ mì” và canh lá sắn. Có điều là mì chính được nêm tăng hơn, muối ớt được “xài” thoải mái cho thêm phần đậm miệng.

          Ở trong rừng, dưới những tán cây rậm rạp, màn đêm buông xuống nhanh. Chẳng đuốc đèn, chúng tôi treo võng để …nằm đón tết. Vật chất thiếu thốn nhưng tinh thần thì khá phong phú. Các hình ảnh về ngày tết và cả những mẫu chuyện tiếu lâm từ nhiều miền quê trong nước, chúng tôi râm ran kể cho nhau nghe. Và, đặc biệt rộn ràng là không khí tết. Với những tiếng hát lời ca vọng ra từ mấy chiếc đài bán dẫn. Hết “Tiếng nói Việt Nam”, lại đến “Phát thanh Giải phóng”; hết tin thời sự,  bài tùy bút lại đến tiếng hát, lời ca. Chúng tôi như được sống với Hà Nội, với người thân, với những ca sĩ Bích Liên, Thúy Hà… trong giờ phút thiêng liêng ấy. Những câu ca “…Mùa xuân về trong chiến khu, gió lay cây rừng cành lá vi vu…”, “…áo may xong mùa đông đã đến, gửi tấm lòng thương mến về anh…” trong các bài hát của Xuân Hồng mới hợp cảnh, hợp tình và xao động lòng người làm sao!

          Mắt đang lim dim và tâm hồn đang “bay bổng” cùng ca sĩ thì bỗng trong mấy cái gùi lúa Lép để ở góc nhà có tiếng động sột soạt, rồi tiếng kêu “chít, chít”.

          - Chuột! chuột!

          Mấy người hô lên - Rồi, như nghĩ ra được một kế hay, một người giọng ra oai:

          - Phen này thì chúng mày chết với ông!

          Và tiếp: Phải “rô ti” mấy chú tí này để đón giao thừa mới được.

          Nói đến họ hàng nhà chuột, phải kể đến chuột rừng Tây Nguyên là nhất hạng. Con nào con nấy cứ như cổ chân, mỗi con đến hai, ba lạng thịt, mập ú, lông vàng hươm, lại sạch.

          Một kế hoạch “mổ chuột ăn tết” được đề ra và phân công rạch ròi: đồng chí Chung, người thi     thiện xạ trong việc săn bắn thú rừng đảm nhiệm việc bắt chuột, là khâu quan trọng hàng đầu. Những người khác, mỗi người một khâu tiếp theo, tất cả đều sẵn sàng.

          Mà cái ông Chung này thiện xạ thật. Không những “bắn”, lại còn cả “bắt” cũng … hết ý. Được giao việc đúng sở trường, ông vào cuộc ngay. Ông kéo hai cái gùi lúa lép sát vào hai bên võng của mình, chuẩn bị một tấm mền đắp làm “vũ khí”, rồi nằm trên võng phục kích. Lúc này, tất cả các chiếc đài bán dẫn đều phải tạm thời “nín thở” để lo cho nhiệm vụ đột xuất. Cũng phải bí mật như khi phục đánh địch đi càn.

          Chỉ mộ loáng sau, những âm thanh sột soạt, “chít chít” lại phát ra từ các chiếc gùi. Ông Chung nhanh nhẹn dùng mền “đánh úp” cú đầu tiên, túm ra được hai “chú” to tướng. Thắng lợi bước đầu làm cho mọi người phấn chấn và “vui như tết”.

          Thừa thắng xông lên, chỉ độ mười lăm phút sau, ông Chung làm tiếp ba “phát” nữa, được thêm ba “chú”. Thế là cơ bản đạt tiêu chuẩn cho mười người.

          Đài được mở lại, to hơn. Lúc này đã hơn 9 giờ đêm, buổi phát thanh “Quân đội nhân dân” với những tin chiến thắng từ các mặt trận, chúng tôi càng thêm nức lòng. Đuốc lồ ô được đốt sáng rực từ trong nhà ra bến nước (vì biết chắc đêm nay không có địch đi càn, cũng không có mấy “thằng” B57 đi “cắn trộm” nên không cần giữ bí mật). Người cạo, người chặt, người nấu nướng, lao xao. Trong rừng khuya thanh vắng, tiếng nói cười nghe như rộn ràng hơn.

          Được đà phấn khởi, đồng chí Tiến - Phó Ban ra lệnh “xuất kho”:

          - Đêm nay là đêm đặc biệt, mỗi người được sớt trong ruột nghé gạo chống càn của mình ra sét “loong” để “oánh” một bữa cơm “không”, đón giao thừa cho đã!

          Không ai bảo ai, mỗi người có ít “của chìm” dưới đáy ba lô đều hăng hái, tự nguyện moi ra góp phần cho bữa tiệc giao thừa. Nào cà phê, nào bột cam, nào kẹo, nào thuốc “thẳng”(1)… Chị Xuân cấp dưỡng còn ít đậu phộng hạt để dành làm “lương khô” khi chống càn, cũng đem rang để có thêm món “nhắm”.

          Thế là, trong rừng sâu căn cứ Krông Bông năm ấy, chúng tôi được hưởng một cái tết khá thịnh soạn: Có cơm “rặt”, có thịt, lại có cả các món tráng miệng “cao cấp”. Tôi cao hứng làm bốn câu thơ:

                             “ Tân hợi giao thừa đón xuân sang

                             Cà phê, trà thuốc, đậu phộng rang

                             Thịt chuột rô ti, cơm gạo trắng

                             Cuộc đời kháng chiến cũng đàng hoàng”

 

          Được anh em bình, cho là phù hợp, và tôi còn nhớ mãi đến bây giờ.

                                                         

                                        Xuân Canh thìn - 2000

                                               (kể lại nhân buổi gặp mặt Ban Kinh tài năm 2014)

          Chú thích

          (1) Lúa do sản xuất tự túc, nhưng bị địch rải chất độc hóa học, phải thu hoạch “chạy”, nên chín ép, hạt không đầy

            (2) Thuốc lá điếu có đầu lọc, cách nói hồi đó để phân biệt với thứ thuốc rê vấn sâu kèn thường hút.