Khái quát chặng đường lịch sử và thành tựu nổi bật của tỉnh Đắk Lắk sau 120 năm thành lập và phát triển (20/11/2024)

Nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh, truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Lắk trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk đã biên soạn Cuốn “Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024)” để thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cuốn tài liệu giới thiệu khái quát chặng đường lịch sử và thành tựu nổi bật của tỉnh Đắk Lắk sau 120 năm thành lập và phát triển.

1. Điều kiện tự nhiên

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên. Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai; phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hoà; phía Nam giáp Lâm Đồng và Đắk Nông; phía Tây giáp Vương quốc Campuchia; có đường biên giới dài 71,972 km; diện tích 13.125,37 km2 .

Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Giao thông có cả đường bộ và đường hàng không; Quốc lộ 14 nối Đắk Lắk với các tỉnh phía Nam và phía Bắc, là con đường huyết mạch từ Pleiku tỉnh Gia Lai qua trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột xuống tỉnh Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh; Quốc lộ 26 nối thành phố Buôn Ma Thuột với các huyện Krông Pắc, Ea Kar, M’Đrắk đến tỉnh Khánh Hòa; Quốc lộ 27 nối trung tâm tỉnh với các huyện Cư Kuin, huyện Lắk và thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột được đầu tư, nâng cấp, thường xuyên đón các đoàn khách quốc tế và trong nước.

Tuy ở gần đường xích đạo, nhưng điều kiện địa hình đã tạo cho Đắk Lắk có khí hậu mát mẻ, ôn hòa hơn so với nhiều tỉnh khác. Có diện tích đất bazan chiếm trên 1/3 tổng diện tích đất toàn tỉnh, thích hợp với cây công nghiệp dài ngày và cây lấy gỗ. Đặc biệt cây cà phê, cây cao su, cho năng suất và chất lượng cao. Đắk Lắk có diện tích rừng và trữ lượng gỗ lớn, với nhiều loại gỗ quý; có các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại với số lượng lớn. Đặc biệt, có Vườn Quốc gia Yok Đôn và Chư Yang Sin, khu bảo tồn Nam Kar, rộng hàng trăm ngàn hécta, là nơi bảo vệ các loại động vật quý hiếm ở nước ta.

Tỉnh Đắk Lắk có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng như: Hồ Lắk, là hồ tự nhiên nằm ở giữa một thung lũng đẹp và thơ mộng, là hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên; nhiều thác nước đẹp, hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh Đắk Lắk như: thác Dray Nur; thác Dray Sáp; thác Krông Kmar; thác Thủy Tiên; thác Dray H’Linh...; Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn với cầu treo mộc mạc nhưng hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế; Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà Đày Buôn Ma Thuột, nơi chứng tích về tội ác của đế quốc, thực dân, thể hiện khí phách kiên cường của các chiến sĩ cộng sản; Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đình Lạc Giao, nơi thành lập Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột... những danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử nêu trên đã tạo cho tỉnh Đắk Lắk có một tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch.

2. Đặc điểm xã hội

Theo kết quả điều tra năm 2019, dân số của tỉnh có 1.869.322 người, là tỉnh có dân số đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Trong đó, dân cư cư trú ở khu vực thành thị là 462.013 và khu vực nông thôn là 1.407.309 người. Mật độ dân số bình quân chung của toàn tỉnh là 143,5 người/km2 (tăng 10,86 người/km2 so với năm 2009). Trong 10 năm (2009 - 2019), tỷ lệ tăng dân số bình quân toàn tỉnh là 0,75%/năm, thấp hơn tỷ lệ tăng dân số bình quân năm của cả nước (1,145%). Mật độ dân số phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở thành phố Buôn Ma Thuột, trung tâm các huyện, thị xã.

Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh (riêng đồng bào DTTS tại chỗ Êđê, M’Nông, Gia Rai chiếm hơn 20%) và các DTTS từ các tỉnh khác di cư đến (Mông, Dao, Thái, Nùng, Tày...); tỷ lệ đồng bào DTTS theo tôn giáo chiếm 40,5%, phân bố rải rác tại 184 xã, phường, thị trấn và 2.199 thôn, buôn, tổ dân phố (trong đó có 556 buôn) thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố. Trong những năm gần đây, dân số của Đắk Lắk có biến động do tăng cơ học, chủ yếu là di dân tự do, điều này đã gây nên sức ép lớn cho tỉnh về giải quyết đất ở, đất sản xuất và các vấn đề xã hội, an ninh trật tự và môi trường sinh thái.

Đắk Lắk có nền văn hóa lâu đời và đặc sắc, văn học dân gian phát triển sớm với nhiều thể loại: Truyện thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn, tiêu biểu sâu sắc cho cách nhìn, cách hiểu, những cảm xúc, tâm tư hoài bão của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và những bản sử thi như Trường ca Đam San, Xing Nhã, Đam Kteh của dân tộc thiểu số Tây nguyên nói riêng... không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Đắk Lắk - Tây Nguyên, mà còn là những viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung là di sản văn hóa quý báu đã được Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại (25/11/2005).

Có thể khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử 120 năm hình thành và phát triển, cộng đồng các dân tộc tỉnh luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, ứng phó với thiên nhiên, vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống. Từ một vùng đất hoang sơ, nhưng với đức tính cần cù, lao động sáng tạo, tinh thần đoàn kết, nhân dân các dân tộc tỉnh từ thế hệ này qua thế hệ khác đã chung tay xây dựng tạo nên một tỉnh Đắk Lắk trù phú và tươi đẹp như ngày hôm nay. 

Chi tiết tài liệu tại đây

BBT

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI CHÍNH TỈNH ĐẮK LẮK

Địa chỉ : 32A Lê Thị Hồng Gấm, TP.Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk Phone 0262.3856630 – 0262.3819988 Fax 0500.3850106 Email: taichinh@daklak.gov.vn

Cổng thông tin được thiết kế bởi Trung tâm CNTT&TT - Website:http://ictdaklak.vn

ipv6 ready