Sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng để bảo đảm công bằng, tránh làm thất thu ngân sách (30/10/2024)

Sáng 29/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi về việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với hàng hóa phân bón, quặng để sản xuất phân bón.

Sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế GTGT

Trình bày về dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua 15 năm thực hiện, Luật thuế GTGT đã đạt được các kết quả quan trọng. Theo thống kê của cơ quan quản lý thu thì số thu về thuế GTGT luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cũng như chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu về thuế, cụ thể: Năm 2014 khoảng 26,9%, năm 2019 khoảng 23,3%, năm 2020 khoảng 22,7%, năm 2021 khoảng 23,6% (năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19), năm 2022 khoảng 24,5%.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày dự án Luật

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và làm tăng giá bán ra, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Đơn cử như việc, phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT, trong khi doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu được hoàn thuế GTGT đầu vào (ở nước họ), nên thường rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Hàng hóa nhập khẩu chỉ cần bán bằng giá hoặc thấp hơn một chút so với hàng sản xuất trong nước là chiếm lĩnh hết thị phần, vì tâm lý “sính hàng ngoại” của một bộ phận nông dân. Cũng chính vì điều này mà trong hàng chục năm qua, một số mặt hàng phân bón ngoại thường xuyên “neo” giá thấp hơn một chút so với phân bón nội. Cứ sản phẩm phân bón trong nước giảm một giá thì phân bón nhập khẩu cũng lại giảm theo, khiến sức cạnh tranh của phân bón nội rất yếu - trong khi đó doanh nghiệp phân bón nội không thể giảm giá mãi.

Ngoài ra, khi mặt hàng phân bón không bị áp thuế sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp phân bón trong nước sẽ không có cơ hội để đầu tư thêm dây chuyền máy móc phục vụ cho sản xuất. Vì khi đầu tư sẽ phải nhập khẩu máy móc, thiết bị và phải nộp thuế GTGT cho đầu vào mà không được khấu trừ, không được hoàn lại sẽ tích tụ và dồn vào giá thành.

Do đó, việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón là một bước đi cần thiết để tạo sự công bằng giữa sản phẩm trong nước và nhập khẩu. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn tăng thu ngân sách Nhà nước. Khi doanh nghiệp được khấu trừ GTGT đầu vào, giá thành sản phẩm sẽ giảm, mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân và toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp.

Việc sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, bảo đảm ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thay vì miễn thuế giá trị gia tăng là một bước đi cần thiết để tạo sự công bằng giữa sản phẩm trong nước và nhập khẩu.

Theo dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), về cơ bản, dự thảo Luật vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành, nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.

Một trong những quy định được dư luận quan tâm là về đối tượng áp dụng thuế suất 0%. Dự thảo bổ sung quy định cụ thể tên các hoạt động dịch vụ (HHDV) xuất khẩu (XK) được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% như sau: “Dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài”; Bổ sung quy định “hàng hóa đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh” và “hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; Bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục, hồ sơ và điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với HHDV XK.

Ngoài ra, bổ sung quy định cụ thể 3 nhóm HHDV không được áp dụng thuế suất 0% để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật, gồm: thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó XK; Xăng, dầu mua tại nội địa bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; Xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; HHDV cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.

Đồng thời, bổ sung quy định không được áp dụng thuế suất 0% đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số theo quy định của Chính phủ để bảo đảm tính linh hoạt cho việc xác định sản phẩm, dịch vụ này được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp. Việc xác định địa điểm tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số là rất phức tạp, hiện nay đều chỉ căn cứ theo kê khai của NNT.

UBTVQH nhất trí với dự thảo Luật

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày

báo cáo giải trình, tiếp thu

 

Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua, vì thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định, làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu. Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào.

Chính vì vậy, thời gian vừa qua, các Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn ĐBQH tỉnh: Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang,...Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã liên tục kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Kiến nghị này cũng đã được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đưa vào nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Có một số ý kiến lo ngại khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế GTGT phải nộp làm tăng mặt bằng giá phân bón, dẫn đến tăng giá thành sản xuất nông nghiệp, ông Lê Quang Mạnh cho rằng, phân bón nhập khẩu khi bán ra có thể bị tăng giá tương ứng với chi phí thuế GTGT phải nộp. Tuy nhiên, tỷ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước nên giá bán của phân bón nhập khẩu cũng phải điều chỉnh theo mặt bằng của thị trường khi phân bón sản xuất trong nước có xu thế và dư địa giảm giá, do được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào nên sẽ cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất.

Đồng thời, phân bón hiện là mặt hàng được nhà nước bình ổn giá, vì vậy các cơ quan quản lý chức năng có thể sử dụng các biện pháp quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lợi dụng chính sách mới ban hành, cấu kết với tư thương để có các hành vi trục lợi, gây biến động lớn về giá trên thị trường, làm ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp.

Ông Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về điều kiện để được hoàn thuế tại khoản 9 Điều 15 “trường hợp hàng hoá chưa được người bán kê khai nộp thuế GTGT thì cơ sở kinh doanh không được hoàn”, để bảo đảm không xảy ra gian lận hoàn thuế GTGT khi thuế đầu vào chưa được nộp vào NSNN. Trong điều kiện quản lý mới này, chính sách cho phép các doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là không còn cần thiết và phù hợp. Bên cạnh đó, nếu bỏ quy định này cũng sẽ tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất nông sản lớn như các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tăng thêm nguồn thu ngân sách. Vì vậy, UBTVQH đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bỏ quy định này tại khoản 1 Điều 5.

Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết và cần được quy định trong Luật nhằm xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng, bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp là "các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định". Đây những nội dung liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế, cần được quy định trong Luật như hiện hành.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị chỉnh lý và quy định tại khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật nội dung: Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ hai trăm triệu đồng trở xuống. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Về thuế suất 0%, theo thông lệ chung, thuế GTGT được đánh theo nguyên tắc điểm đến, tức là hành vi tiêu dùng ở đâu thì chịu thuế ở đó. Như vậy, thuế suất 0% chỉ được áp dụng đối với các trường hợp hàng hoá thực tế được xuất khẩu, không tiêu dùng tại Việt Nam; ngược lại, bất kể hàng hoá, dịch vụ nào được tiêu dùng tại Việt Nam đều phải chịu thuế GTGT cho dù người mua hàng hoá, dịch vụ đó ở trong hay ngoài Việt Nam. Nguyên tắc này cần được tuân thủ để bảo đảm tính khách quan, công bằng và tránh làm thất thu ngân sách.

Vì vậy, UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH, quy định rõ trong dự thảo Luật (tại điểm c khoản 1 Điều 9) về các trường hợp cung cấp hàng hoá cho các khách hàng nước ngoài được áp dụng thuế suất 0% nhất thiết phải được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, không bao gồm trường hợp hàng hoá được giao dịch giữa các đối tác trong nước theo chỉ định của thương nhân nước ngoài và thực chất được tiêu dùng trong nước, để tránh lợi dụng, gây thất thu ngân sách.

Các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với dự luật

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với các nội dung dự thảo luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Các quy định mới được sửa đổi, bổ sung cơ bản giải quyết được các bất cập trong thực tiễn, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

Phát biểu về đối tượng không chịu thuế tại Điều 5, đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An thống nhất với việc điều chỉnh nâng tổng mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng tại khoản 25, cụ thể là: Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ hai trăm triệu đồng trở xuống.

Theo đại biểu, việc này không chỉ giúp giảm chi phí quản lý thuế mà còn giảm các chi phí xã hội liên quan đến việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cùng các hộ kinh doanh.

Phát biểu giải trình các vấn đề được ĐBQH quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Luật Thuế giá trị gia tăng có ý nghĩa rất quan trọng, tác động và ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình, nên nhiều nội dung cần thay đổi để phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế. Cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng về các vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu để đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia nhiều nội dung để hoàn thiện dự án Luật như: việc đáp ứng các mục tiêu về cải cách hệ thống thuế; hàng nông sản, thủy sản qua sơ chế thông thường không phải nộp thuế đầu ra, nhưng được khấu trừ thuế đầu vào; mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế; thuế suất 0% đối với nhóm hàng cung cấp cho nước ngoài; thuế đối với phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp./.

https://mof.gov.vn/

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI CHÍNH TỈNH ĐẮK LẮK

Địa chỉ : 32A Lê Thị Hồng Gấm, TP.Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk Phone 0262.3856630 – 0262.3819988 Fax 0500.3850106 Email: taichinh@daklak.gov.vn

Cổng thông tin được thiết kế bởi Trung tâm CNTT&TT - Website:http://ictdaklak.vn

ipv6 ready