Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Vũ Thị Mai tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2021 được tổ chức chiều 9/7. Cùng tham dự có tập thể Lãnh đạo Tổng cục Thuế; Đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước cùng đại diện lãnh đạo các Cục Thuế tại 63 điểm cầu.
Thu ngân sách đạt trên 58,8% dự toán
Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 656.374 tỷ đồng, đạt 58,8% dự toán, bằng 114,3% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 637.649 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, bằng 115,3% cùng kỳ. Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 558.838 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán, bằng 114,5% cùng kỳ năm 2020.

Nếu loại trừ các khoản thu đột biến trong 6 tháng đầu năm và yếu tố chính sách do thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất thì tổng thu do cơ quan thuế quản lý 6 tháng tăng 4% so với cùng kỳ, thu nội địa trừ đất tăng 2,5%, thu nội địa từ thuế phí tăng 5,7%.
Tính số thu NSNN theo địa bàn 6 tháng đầu năm cho thấy, đa số các địa phương đạt tiến độ thu khá so với dự toán. Có 48 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt trên 55%; có 12 địa phương thực hiện đạt từ trên 50% đến dưới 55% dự toán. Mặc dù vậy vẫn còn 3 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 50%) là: Bắc Cạn; Sơn La; Hòa Bình.
Tính số thu theo khu vực, sắc thuế, Thu từ khu vực sản xuất kinh doanh (DNNN, DN có vốn ĐTNN và CTN-NQD) (chiếm 52,4% tổng thu nội địa) ước đạt 331.989 tỷ đồng, bằng 57,1% so với dự toán và bằng 126,9% so với cùng kỳ năm 2020. Số thu từ sản xuất kinh doanh đạt khá do phục hồi tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và một số nguồn thu được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ trong năm 2020, như đã phân tích ở trên.
Theo sắc thuế, một số sắc thuế chính đều đạt và vượt tiến độ thu so với dự toán, tăng mạnh so với cùng kỳ, cụ thể: thuế TNDN ước đạt 137.069 tỷ đồng, bằng 61,2% dự toán, bằng 129,1% so với cùng kỳ; thuế TTĐB ước đạt 58.879 tỷ đồng, bằng 61% dự toán, bằng 138,6% cùng kỳ; thuế GTGT ước đạt 121.910 tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán, bằng 119,5% so với cùng kỳ; ... Đặc biệt thuế thu nhập cá nhân ước đạt 73.027 tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán, bằng 112,8% so với cùng kỳ. Mặc dù thực hiện Nghị quyết số 954/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 làm giảm thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công (chỉ đạt khoảng 97% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, với việc thị trường chứng khoán, bất động sản sôi động trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đã góp phần tăng thu thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán (gấp 2,91 lần), từ đầu tư vốn của cá nhân (tăng 78,2%) và từ chuyển nhượng bất động sản (tăng 68,8%), góp phần làm số thu thuế TNCN đạt tiến độ thu cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2021.
Theo đánh giá của cơ quan thuế, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá, được đánh giá chủ yếu do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020, trong đó một số ngành đạt mức tăng trưởng cao, nóng như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... góp phần quan trọng vào số thu trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể: Khối các ngân hàng thương mại có số thuế TNDN quý IV/2020 và nộp sau quyết toán tăng 72,9% so với cùng kỳ tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng; Tăng thu thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng. Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 2.600 tỷ đồng. Thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ (theo quy định sẽ kê khai, nộp thuế TTĐB trong tháng 01/2021), dẫn đến số thu ngân sách từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tăng thu 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng...
Tăng cường thanh tra, xử lý thu hồi nợ đọng:
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế trong bối cảnh yêu cầu đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới, từ năm 2020, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế. Đối với việc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT, thực hiện phân tích rủi ro, tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế. Đồng thời tiếp tục triển khai hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế; nâng cao năng lực cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.

Toàn cảnh Hội nghị
Tính đến tháng 06 năm 2021, toàn ngành Thuế thực hiện được 32.209 cuộc thanh tra, kiểm tra, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2020. Kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế được 323.206 hồ sơ khai thuế, bằng 114,93% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 22.963 tỷ đồng
Đối với công tác thu hồi, xử lý nợ đọng thuế: Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng Cục Thuế, giao tổng số tiền thuế nợ không vượt quá 5% so với tổng số thực thu ngân sách năm 2021; thu tối thiểu 80% các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày thời điểm 31/12/2020; phấn đấu đến 31/12/2021 hoàn thành việc xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội; ....
Đến 30/6/2021, toàn ngành Thuế thực hiện thu hồi nợ thuế ước đạt 16.302 tỷ đồng, bằng 54,2% chỉ tiêu thu nợ được giao; Kết quả xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14: Về khoanh nợ tiền thuế đạt 2.172 tỷ đồng; Về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp là 1.470 tỷ đồng.
Công tác quản lý kê khai, kế toán thuế và hoàn thuế GTGT: Tính đến hết ngày 28/6/2021, Cơ quan thuế đã ban hành 11.002 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 73.181 tỷ đồng, bằng 53,6% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2021 đã
Thực hiện giải pháp về thuế, tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Để tiếp tục hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế trong năm 2021, Tổng cục Thuế đã tham mưu trình Bộ, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2020 về thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho trong năm 2021; đồng thời chỉ đạo địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho người nộp thuế tiếp cận và được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Ngay khi Nghị định số 52/2021/NĐ-CP được ban hành, Tổng cục Thuế cũng đã hoàn thành phân tích và nâng cấp các phần mềm ứng dụng gồm: Dịch vụ thuế diện tử (eTax), Ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) đáp ứng các quy định tại Nghị định số 52 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gửi tờ khai về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất trực tuyến trên hệ thống eTax. Tiết kiệm thời gian, chi phí cho NNT, đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng và
giao nhiệm vụ cho toàn ngành Thuế trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
Tính đến hết ngày 23/6/2021 cơ quan thuế đã nhận được 52.384 đơn đề nghị gia hạn, trong đó: Doanh nghiệp, tổ chức: 47.514 đơn; Cá nhân: 3.547 đơn. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 33.032 tỷ đồng.Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn đã nộp ngân sách là 9.834 tỷ đồng. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn còn phải nộp ngân sách là 23.197 tỷ đồng,
Thách thức 6 tháng cuối năm và những giải pháp được đặt ra
Tại Hội nghị ý kiến tham luận của các đại biểu đến từ các Cục Thuế: Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu đã cho thấy sự linh hoạt, sáng tạo của các đơn vị trong công tác quản lý thuế để đảm bảo vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vừa hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN theo dự toán đã được giao.
Trong khi đó nội dung tham luận đến từ Vụ Kê khai và kế toán thuế hay Vụ Quản lý doanh nghiệp nhỏ vừa và hộ kinh doanh cá nhânn đặt ra những vấn đề mới trong quản lý thuế đối với các cá nhân, hộ kinh doanh khi hoạt động thương mại trên các sàn thương mại điện tử, livetream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội…Những ý kiến, tham luận từ các đại biểu là những nội dung quan trọng để ngành Thuế đánh giá, tiếp thu trong quá trình triển khai nhiệm vụ của toàn ngành.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá cao những kết quả ngành Thuế đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Theo Thứ trưởng “Việc thực hiện nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện”. Trong đó đáng chú ý là những kết quả đạt được trong công tác thu NSNN, công tác nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19; công tác thông tin tuyên truyền đã “tiến một bước dài” với kênh thông tin đa dạng, hình thức thể hiện phong phú.
Về nhiệm vụ công tác của cơ quan thuế trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên toàn cầu và ở Việt Nam, dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cùng với các chính sách giãn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, công tác thu ngân sách các tháng cuối năm 2021 sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn và phải xác định là khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Mặt khác, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 02/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đã được Quốc hội và Chính phủ giao. Tức là ngành Thuế cũng phải kiên định, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách theo số dự toán đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Điều này, đòi hỏi toàn ngành Thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao năm 2021.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Báo cáo sơ kết của Tổng cục Thuế, Thứ trưởng yêu cầu toàn ngành Thuế tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trong tâm sau:
Thứ nhất, Về thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, toàn ngành Thuế phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2021 được giao. Cơ quan thuế các cấp phải theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu tại từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời có các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND các cấp chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Thứ trưởng yêu cầu ngành Thuế tiếp tục nghiên cứu những giải pháp thuộc thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó lưu ý, cần đẩy mạnh tuyên truyền những quyền lợi của người dân, doanh nghiệp được hưởng trong các gói hỗ về thuế, phí để người dân nắm bắt và thực hiện quyền lợi của mình đúng quy định của pháp luật. Tổng cục Thuế cũng cần phối hợp chặt chẽ với Vụ Chính sách thuế để đề xuất các giải pháp về các sắc thuế cụ thể, các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp về tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế. Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu; thực hiện thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, ...
Đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...
Thứ ba, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đa dạng hóa các phương thức, hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh công tác hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức điện tử, nhằm phục vụ tốt nhất, nhiều nhất các đối tượng NNT. “Công tác tuyên truyền góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật của NNT, góp phần tăng thu NSNN”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ tư, Hoàn thành việc thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực thuế theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2021. Đặc biệt, cần sớm tổng kết, đánh giá các Luật, nhất là các Luật trong chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn 2021-2025 để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Thứ năm, Quyết liệt triển khai đề án hóa đơn điện tử đáp ứng các quy định tại Nghị định 123/2020 của Chính phủ, đúng tiến độ, đảm bảo thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ 01/7/2022 thông suốt. Vấn đề này Ban cán sự Đảng đã họp và cho ý kiến chỉ đạo, Tổng cục Thuế phải khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện.
Thứ sáu, về công tác tổ chức cán bộ, tiếp tục quán triệt, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong hoạt động của đơn vị và của cán bộ công chức do đơn vị quản lý.
“Nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2021 cho thấy còn nhiều những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với bề dày truyền thống của ngành thuế, tôi tin tưởng rằng toàn thể các đồng chí sẽ đoàn kết, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần để toàn ngành Tài chính hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021”, Thứ trưởng bày tỏ hy vọng và mong muốn đối với ngành Thuế.
Thay mặt ngành Thuế, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn trân trọng cảm ơn và tiếp thu triệt để những ý kiến chỉ đạo, quán triệt Thứ trưởng Vũ Thị Mai, nhất là những vấn đề còn khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý thuế và những nhiệm vụ, biện pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.
Ông Cao Anh Tuấn cũng khẳng định, ngay sau Hội nghị này, Tổng cục Thuế sẽ cụ thể hoá thành các nhiệm vụ, giải pháp công tác để triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống thuế, trong đó tập trung các giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ đã giao.
https://www.mof.gov.vn/
- Thủ tướng phát động Phong trào thi đua 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số' (24/04/2025, 14:36)
- Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2025 và thời gian tới (24/04/2025, 14:30)
- Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử (24/04/2025, 14:01)
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phương án sắp xếp đơn vị hành chính (24/04/2025, 11:00)
- Tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tháng 4 năm 2025 (23/04/2025, 17:04)
- Nâng cao hiệu quả công tác giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (22/04/2025, 08:33)
- Hoạch định tổ chức bộ máy khi hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên (22/04/2025, 06:49)
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII (17/04/2025, 11:17)
- Khẩn trương hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL (17/04/2025, 11:12)
- Papi Đắk Lắk năm 2024: Những con số biết nói (17/04/2025, 11:09)
- Hội nghị Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số lần thứ Nhất (17/04/2025, 11:02)