Cần khoảng 92.725 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng trục Đông - Tây gắn kết các địa phương Nam Trung Bộ sau sáp nhập, đánh thức nhiều vùng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi kết nối thị trường hàng hóa từ ven biển lên Tây Nguyên, vươn qua các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.
Một số địa phương sáp nhập địa giới hành chính tại Nam Trung Bộ đề xuất nâng cấp, cải tạo, đầu tư mới một số tuyến giao thông huyết mạch. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Trong lần sáp nhập này, TP. Đà Nẵng sáp nhập với Quảng Nam thành TP. Đà Nẵng; Quảng Ngãi - Kon Tum thành Quảng Ngãi; Bình Định - Gia Lai thành Gia Lai; Ninh Thuận - Khánh Hòa thành Khánh Hòa; Lâm Đồng - Bình Thuận - Đắk Nông thành tỉnh Lâm Đồng và Phú Yên - Đắk Lắk thành tỉnh Đắk Lắk. Hầu hết các địa phương sáp nhập tại khu vực Nam Trung Bộ đều theo trục Đông - Tây (chỉ có Đà Nẵng - Quảng Nam; Khánh Hòa - Ninh Thuận là theo trục Bắc - Nam, có sẵn tuyến Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến ven biển để kết nối), trong khi hạ tầng trục Đông - Tây chưa được đầu tư đồng bộ. Do đó, ngay khi có chủ trương sáp nhập, các địa phương nhập địa giới hành chính theo hướng này đã đề xuất nâng cấp, cải tạo, đầu tư mới một số tuyến giao thông huyết mạch nhằm rút ngắn thời gian đi lại, nâng cao hiệu quả công tác và mở rộng dư địa phát triển.
Theo ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, liên kết Quảng Ngãi với Kon Tum lâu nay qua tuyến Quốc lộ 24 dài 62 km nhưng đã xuống cấp, có đoạn mặt đường ngang với đường cấp 5 miền núi. Vì vậy, sau khi sáp nhập Quảng Ngãi, Kon Tum thành tỉnh mới, cần sửa chữa, nâng cấp gấp tuyến này. "Quốc lộ 24 hiện không thể đáp ứng nhu cầu đi lại cho hoạt động công vụ và phát triển kinh tế - xã hội. Để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, tuyến này cần 1.000 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo", ông Trang khái toán chi phí đầu tư.
Tương tự, khi sáp nhập Bình Định - Gia Lai, tỉnh Gia Lai (mới) có trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Quy Nhơn (Bình Định hiện tại) nên sẽ có số lượng lớn cán bộ từ Gia Lai đến Quy Nhơn làm việc. Từ Gia Lai đến Quy Nhơn hiện có tuyến Quốc lộ 19 đã nâng cấp, sửa chữa xong, nhưng về lâu dài, với địa hình trải rộng, cần có thêm tuyến đường mới để khai thác tiềm năng kinh tế từ Tây Nguyên đến cảng Quy Nhơn. Điều trùng hợp là đúng thời điểm này, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang được đẩy nhanh tiến độ đầu tư, khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, thúc đẩy giao thương, phát triển du lịch và logistics.

Đèo An Khê trên tuyến Quốc lộ 19 nối Bình Định - Gia Lai. Ảnh: Trần Hòa |
Phú Yên - Đắk Lắk còn kiến nghị xây dựng đường bộ cao tốc có điểm đầu ở Cảng Bãi Gốc (huyện Đông Hòa, Phú Yên), điểm cuối ở Cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk). Chiều dài tuyến cao tốc khoảng 220 km, với quy mô 4 - 6 làn xe. Đây được xem là tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi phát triển các hành lang kinh tế theo hướng Tây - Đông của tỉnh Đắk Lắk mới nói riêng, khu vực lân cận nói chung.
Với Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông, hiện các tuyến liên kết thông qua Quốc lộ 28 và 28B từ TP. Phan Thiết đến huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận qua huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng (giao cắt với Quốc lộ 20), kết nối với huyện Đắk Glong, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông (giao với đường Hồ Chí Minh) và Quốc lộ 55 nối huyện Hàm Tân - Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận qua huyện Bảo Lâm, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng kết nối với Quốc lộ 28 thuộc huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu đi lại, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2025 - 2026, Lâm Đồng sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ này.
Về lâu dài, tỉnh Lâm Đồng đã giao các cơ quan chức năng xem xét chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường ĐT.729 nối Lâm Đồng và Bình Thuận với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Theo Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng, tuyến ĐT.729 hiện nay khai thác theo từng đoạn, nhiều vị trí xuống cấp khiến việc di chuyển khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ kết nối với các tỉnh lộ, quốc lộ trong khu vực, tăng khả năng kết nối, vận chuyển hàng hóa giữa Lâm Đồng và Bình Thuận, Ninh Thuận.
Để sớm tháo gỡ khó khăn về kết nối giao thông, theo ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận. Đây là tuyến đường mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kết nối, thuận lợi khai thác các tiềm năng từ núi xuống biển, kêu gọi đầu tư, xây dựng các nhà máy nhôm, khai thác bauxite và vận chuyển ra các cảng, phát triển du lịch địa phương.
https://baodauthau.vn/
- TP.Buôn Ma Thuột: Khai giảng lớp bồi dưỡng về an ninh, an toàn thông tin cho đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh (29/04/2025, 09:45)
- Tăng cường rà soát nhà, đất công không sử dụng vào mục đích để ở (28/04/2025, 17:14)
- Nhiều dự án chọn Đắk Lắk làm điểm đến để đầu tư (27/04/2025, 12:37)
- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn vốn tư nhân cho mục tiêu tăng trưởng bền vững (25/04/2025, 06:57)
- (Infographic) Tỉnh Đắk Lắk (mới) sau hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên (25/04/2025, 06:50)
- Thủ tướng phát động Phong trào thi đua 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số' (24/04/2025, 14:36)
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phương án sắp xếp đơn vị hành chính (24/04/2025, 11:00)
- Đã đến lúc cần cuộc cải cách về thuế (Bài 1) (24/04/2025, 07:06)
- Tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tháng 4 năm 2025 (23/04/2025, 17:04)
- Chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Cư Né 1 tại huyện Krông Búk của Công ty TNHH Đầu tư năng lượng tái tạo Cư Né (23/04/2025, 16:59)