Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) và chuyển đổi số đang diễn ra hiện nay, triển khai thực hiện các định hướng, nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã, đang tiếp tục tập trung triển khai giải pháp chuyển đổi số nhằm xây dựng Bộ Tài chính điện tử hướng tới Bộ Tài chính số, từng bước hình thành nền tài chính số Việt Nam vững mạnh, hiện đại.
Bộ Tài chính là bộ đầu tiên trong 22 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành văn bản định hướng về nghiên cứu, triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trong ngành từ năm 2018. Ngày 09/3/2018, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã tập trung xây dựng, ban hành các văn bản để tổ chức triển khai đồng bộ các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính đã ban hành 09 quyết định liên quan đến chương trình, kế hoạch của Bộ Tài chính nhằm triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ trong thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Ngày 21/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó “…đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số” đã được xác định là một trong các đột phá chiến lược trong chiến lược ngành Tài chính đến năm 2030.
Bộ Tài chính chú trọng tới công tác hiện đại hóa, cải cách TTHC nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ cơ quan, tổ chức và người dân, doanh nghiệp thông qua các hoạt động ứng dụng CNTT và chuyển đổi số:
Tính đến ngày 23/3/2022, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) là 876, số DVCTT của Bộ Tài chính là 868, trong đó số DVCTT mức độ 1 là 91; số DVCTT mức độ 2 là 259; số DVCTT mức độ 3 là 62; số DVCTT mức độ 4 là 456. Tổng DVCTT mức độ 3, 4 là 518. Hoàn thành kết nối, tích hợp 355/518 DVCTT mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 68,53%.
Đến hết năm 2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã cơ bản hoàn thành xây dựng và triển khai ứng dụng CNTT trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước: quản lý quỹ NSNN; công tác lập báo cáo tài chính nhà nước; công tác quản lý ngân quỹ nhà nước và huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ. Một số kết quả chính trong thực hiện chuyển đổi số của KNNN như sau: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (gọi tắt là TABMIS) giúp quản lý chu trình kiểm soát chi NSNN từ khâu phân bổ, cam kết chi, kiểm soát chi, kế toán thu và chi NSNN trên nền tảng công nghệ thông tin, ...và cung cấp các báo cáo hàng ngày về thực hiện ngân sách của 4 cấp ngân sách; hệ thống DVCTT cung cấp kênh giao dịch điện tử về chi NSNN cho khoảng 95.000 đơn vị sử dụng NSNN giúp cải cách TTHC trong chi NSNN và tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng ngân sách, 100% các đơn vị giao dịch đã tham gia (trừ khối an ninh quốc phòng) chiếm trên 99,5% hồ sơ kiểm soát chi NSNN. Hàng năm, khoảng trên 30 triệu chứng từ chi điện tử đi qua hệ thống Dịch vụ công trực tuyến. 100% các TTHC lên mức 4 và được tích hợp trên Cổng DVC Quốc gia. Triển khai ứng dụng trên điện thoại di động giúp cho đơn vị giao dịch có thể tra cứu tham vấn số dư tài khoản mở tại KBNN và trạng thái xử lý hồ sơ chi NSNN, đạt trên 90% số đơn vị đã cài đặt sử dụng; hoàn thành xây dựng và triển khai hệ thống thông tin phối hợp thu NSNN với các cơ quan thu và hệ thống thanh toán với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại (NHTM). Qua đó đã góp phần cùng các cơ quan thu thực hiện trên 99% số lượng giao dịch thu NSNN được thực hiện theo phương thức điện tử, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; hoàn thành xây dựng và triển khai hệ thống tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước, đấu thầu điện tử trực tuyến tiền gửi tại các NHTM, hệ thống dự báo ngân quỹ nhà nước, hệ thống quản lý trái phiếu chính phủ phát hành tại trung ương...
Đến thời điểm hiện tại, lĩnh vực KBNN đã cơ bản hoàn thành mục tiêu “ba không”: Không tiền mặt thu NSNN và chi NSNN đều đạt trên 99,5% là qua kênh điện tử và chuyển khoản; không khách hàng giao dịch trên 99,5 lượng giao dịch thu NSNN và chi NSNN gửi kênh điện tử; không giấy tờ còn một phần hồ sơ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản dầy nên do đơn vị giao dịch chưa số hóa được để gửi KBNN qua kênh dịch vụ công trực tuyến. Trong giai đoạn 2022 – 2025, KBNN cơ bản hoàn thành xây dựng kho bạc dựa trên nền tảng dữ liệu số; cơ bản hoàn thành xây dựng Kho bạc số vào năm 2030.
Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ thuế điện tử, tính đến 23/3/2022 đã cung cấp 163 DVCTT mức độ 3, 4 trong lĩnh vực thuế, tích hợp 156 dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử cho doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, thông suốt với trên 99% trong tổng số gần 850.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc triển khai ứng dụng dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động eTax-Mobile. Ngành Thuế cũng đã mở rộng thêm các kênh giao tiếp nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần hạn chế tiếp xúc xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thành triển khai hệ thống hóa đơn điện tử cho 6 tỉnh/thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định.
Tổng cục Thuế cho biết, việc triển khai hóa đơn điện tử không những góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã nâng cấp các ứng dụng quản lý thuế và hỗ trợ người nộp thuế đáp ứng Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về việc ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 thi hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15. Việc nâng cấp và triển khai ứng dụng đáp ứng các bổ sung, sửa đổi chính sách thuế mới đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế và hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ nghĩa vụ thuế, đặc biệt là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh covid-19.
Đồng thời, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (đặc biệt là Luật Quản lý thuế, Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật quản lý thuế), góp phần tạo ra sự công bằng, minh bạch đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; Hoàn thành xây dựng và triển khai Cổng thông tin điện tử dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài. Với đặc thù của các nhà cung cấp ở nước ngoài là không có cơ sở thường trú ở Việt Nam, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua môi trường số và trên các ứng dụng internet. Vì vậy, Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không những giúp nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế mà còn hỗ trợ tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan về lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.
Tổng cục Thuế cũng đã triển khai hệ thống tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng mã căn cước công dân xác thực tài khoản đăng nhập dịch vụ thuế điện tử cho cá nhân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế; Hoàn thành triển khai kỹ thuật 02 dịch vụ cấp mã số thuế cho người nộp thuế (NNT) và thay đổi thông tin NNT là cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế. Hệ thống này đã được Tổ công tác của Bộ Công an (A05, A06 và C06) kiểm tra, đánh giá đảm bảo mức độ an toàn bảo mật của hệ thống. Việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế giúp minh bạch, thống nhất thông tin quản lý và dùng chung dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên đảm bảo việc định danh chính xác được thông tin NNT là cá nhân, giảm thiểu sai sót trong quá trình NNT thực hiện thủ tục với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước khác. Đồng thời, người dân có thể sử dụng một mã định danh duy nhất khi thực hiện các thủ tục hành chính khác nhau với nhiều cơ quan quản lý nhà nước, từ đó hỗ trợ người dân thuận tiện trong việc tham gia các dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin và nâng cao hiệu quản lý
Trong lĩnh vực hải quan, với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã đôn đốc, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Tính đến ngày 15/03/2022, có 244 TTHC của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với gần 4,9 triệu bộ hồ sơ của xấp xỉ 53 nghìn doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippin thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.
Tổng cục Hải quan đã hoàn thành triển khai cung cấp DCVTT mức độ 4 đạt 88%, các DCVTT được cung cấp qua mạng internet trên thiết bị máy tính cá nhân, trong đó thủ tục hải quan hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động ở mức độ rất cao, hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia; thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử tại 100% các đơn vị hải quan trên toàn quốc; thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan; triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan,...; 100% hoạt động thống kê hải quan từ khâu thu thập, xử lý, phân tích, báo cáo và phổ biến sản phẩm thống kê nhà nước về hải quan đã được ứng dụng CNTT.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục tập trung triển khai công tác chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN gồm: Triển khai thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số theo Quyết định số 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021 của Bộ Tài chính; nghiên cứu đề xuất triển khai Đề án xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng tập trung phục vụ chuyển đổi số và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; nghiên cứu đề xuất triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hải quan.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành toàn ngành, Bộ Tài chính đã triển khai hệ thống thông tin báo cáo kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ từ năm 2020, đến thời điểm hiện tại, hệ thống thông tin báo cáo đã hoàn thành xây dựng 93 chế độ báo cáo định kỳ do Bộ Tài chính phải thực hiện, hoàn thành cung cấp 15 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/01/2020 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành bộ chỉ tiêu kinh tế xã hội phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; triển khai thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử thông qua chương trình quản lý văn bản và điều hành giữa cơ quan Bộ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính, giữa Bộ Tài chính với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương thông qua trục liên thông văn bản quốc gia. Sau 05 năm khai thác sử dụng, số lượng văn bản điện tử được lưu trữ, quản lý trên chương trình quản lý văn bản và điều hành của Bộ Tài chính khoảng 2.191.869 văn bản; bước đầu thực hiện quản lý gần 69.000 hồ sơ điện tử của công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Tài chính trên Hệ thống thông tin quản lý cán bộ Bộ Tài chính; quản lý 1.156.002 tài sản trên phần mềm quản lý tài sản nội ngành Tài chính...
Ngoài ra, Bộ Tài chính tập trung xây dựng các nền tảng dùng chung toàn ngành phục vụ phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng, phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số, Bộ Tài chính đã, đang tập trung nguồn lực nhằm ưu tiên phát triển 04 nền tảng đóng vai trò “trụ cột” trong xây dựng phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số gồm: Nền tảng cơ sở dữ liệu Tài chính; nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành Tài chính; nền tảng điện toán đám mây và hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính; nền tảng định danh và xác thực điện tử.
Cụ thể, đối với nền tảng cơ sở dữ liệu (CSDL) tài chính: Triển khai Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính. Hiện nay, đã có 6 CSDL chuyên ngành hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng ở các mức độ khác nhau (gồm các CSDL quản lý kho bạc; quản lý hải quan; quản lý thuế; quản lý chứng khoán; quản lý giá giai đoạn 1; quản lý thu - chi ngân sách nhà nước) và 6 CSDL chuyên ngành đang tổ chức nâng cấp hoàn thiện trong thời gian 2021-2022 (gồm các CSDL quản lý dự trữ nhà nước; quản lý nợ công; quản lý tài sản công; quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý bảo hiểm; danh mục điện tử dùng chung ngành Tài chính).
Đối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu: Từ những năm 2008, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ thống trung tâm trao đổi thông tin thu NSNN phục vụ kết nối, chia sẻ thông tin số thu ngân sách nhà nước giữa cơ quan Bộ Tài chính và các tổng cục: thuế, kho bạc, hải quan. Năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hệ thống kết nối, liên thông văn bản điện tử (hệ thống eDocHub) phục vụ kết nối, liên thông văn bản điện tử giữa cơ quan Bộ và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cũng như giữa Bộ Tài chính với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu ngành Tài chính được phát triển, hoàn chỉnh đóng vai trò là “huyết mạch dữ liệu” của ngành Tài chính, phục vụ xây dựng phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số.
Đối với nền tảng điện toán đám mây và hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính:
Bộ Tài chính đã thiết lập hệ thống mạng hạ tầng truyền thông ngành Tài chính (mạng diện rộng – WAN) để đảm bảo kết nối trao đổi dữ liệu cho 2.737 đơn vị trong toàn ngành từ những năm 2000-2001. Hệ thống mạng hạ tầng truyền thông ngành Tài chính đóng vai trò là hệ thống mạng truyền dẫn căn bản phục vụ việc triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trong toàn ngành Tài chính (hệ thống quản lý thuế tập trung, hệ thống TABMIS, hệ thống VNACC/VCIS... đều hoạt động trên hệ thống mạng hạ tầng truyền thông ngành Tài chính). Bên cạnh đó, ngành Tài chính đã thực hiện nghiên cứu, áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ trong hệ thống CNTT từ năm 2007 (hiện có khoảng 90% số máy chủ chạy trên nền tảng ảo hóa). Trên cơ sở hạ tầng hiện có, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng triển khai dịch vụ điện toán đám mây riêng của ngành Tài chính trong giai đoạn 2021- 2025.
Đối với nền tảng định danh và xác thực điện tử: Nền tảng định danh và xác thực điện tử cung cấp các dịch vụ về định danh và xác thực đối với khách hàng sử dụng dịch vụ CNTT ngành Tài chính. Ngay sau khi Chính phủ ban hành nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, trên cơ sở các quy định của nghị định Bộ Tài chính sẽ xây dựng phương án tổ chức quản lý và cung cấp dịch vụ xác thực, định danh trong toàn ngành Tài chính.
Nguồn: mof.gov.vn
- Thủ tướng phát động Phong trào thi đua 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số' (24/04/2025, 14:36)
- Papi Đắk Lắk năm 2024: Những con số biết nói (17/04/2025, 11:09)
- Hội nghị Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số lần thứ Nhất (17/04/2025, 11:02)
- Hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025 (16/04/2025, 14:32)
- Thủ tướng: Doanh nghiệp nhà nước phải xông pha hơn nữa, tiên phong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng (16/04/2025, 08:24)
- Sửa đổi Luật Đấu thầu: Dành nhiều ưu đãi cho DN công nghệ cao (16/04/2025, 08:19)
- Tạo xung lực mới cho đổi mới sáng tạo (15/04/2025, 08:09)
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-28/3/2025 (30/03/2025, 10:34)
- Bố trí ít nhất 15% ngân sách chi sự nghiệp khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược (22/03/2025, 08:38)
- Bố trí ít nhất 15% ngân sách chi sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược (11/02/2025, 19:26)
- Từ ngày 01/7/2025 người nộp thuế sẽ sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế (15/01/2025, 13:10)