Bộ Tài chính đề nghị các DNNN rà soát, giãn, hoãn các dự án đầu tư chưa cấp thiết, chưa đủ điều kiện thực hiện, chưa đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các dự án đầu tư mới, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của DNNN.
Sáng 15/4, tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Chủ tịch, Tổng giám đốc một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước được tổ chức với chủ đề: Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ, ngành và 68 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tiêu biểu, hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết năm 2024, tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 671 DNNN (473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) tiếp tục có sự tăng trưởng so với năm 2023. Tổng tài sản đạt gần 5,7 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023; vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2023; tổng doanh thu đạt 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 227.465 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2023; thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN đạt 398.686 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm trình bày báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của DNNN góp phần tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho rằng đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN, cần tiếp tục củng cố, phát huy vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế và tập trung tiên phong trong 6 lĩnh vực.
Đối với các Bộ, ngành, địa phương (cũng là các cơ quan đại diện chủ sở hữu) khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền và nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; khẩn trương xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ, nhất là về cơ chế, chính sách với tinh thần “5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Theo đó, ngay từ những tháng đầu năm 2025, quán triệt Kết luận số 123-KL/TW của Trung ương, Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ, Chỉ thị số 09/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, DNNN đã tích cực, chủ động vào cuộc, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, cùng phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của cả nước.
Về hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi Luật 69) trình Chính phủ và Chính phủ đã có Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 11/4/2025 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Ngày 14/4/2025, Chính phủ đã có tờ trình số 189/TTr-CP báo cáo Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc chỉnh lý, hoàn thiện nội dung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật để trình Chính phủ ban hành theo nhiệm vụ được giao, đảm bảo thời gian quy định.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP
Về nhiệm vụ tăng trưởng của các DNNN, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 cho các DNNN và đã có văn bản gửi từng cơ quan chủ sở hữu đề nghị giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý đạt từ 8% trở lên. Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 1073/QĐ-BTC ngày 25/3/2025 giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 cho từng Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp và gắn việc thực hiện nhiệm vụ này với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp.
Để phát huy vai trò của DNNN tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững, Bộ Tài chính đề xuất các DNNN cần tập trung một số giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, tổ chức triển khai, thực hiện các giải pháp để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ hai, hoàn thiện và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số. Bố trí ưu tiên nguồn vốn thực hiện chuyển đổi số với tiến độ cụ thể.
Thứ ba, triển khai các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa các công nghệ nền tảng và các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số như Cloud, AI, BigData,…Khuyến khích các mô hình hợp tác công tư giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với để triển khai các dự án chuyển đổi số trong DNNN.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP
Thứ tư, cần ưu tiên tập trung cho đổi mới quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản, nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý của doanh nghiệp, nguồn lực cần tập trung đầu tư vào ngành, lĩnh vực mũi nhọn, bền vững, ứng dụng mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; các dự án có ảnh hưởng, tác động tích cực trong các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Thứ năm, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ mới, dịch vụ mới (5G, AI, XGSPON); chú trọng kiên cố, bền vững hạ tầng mạng lưới, phòng chống thiên tai; ưu tiên, mở rộng hạ tầng cho công nghiệp sản xuất, công nghiệp công nghệ cao; tiếp tục triển khai các dự án xây dựng cơ bản lớn, quan trọng đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ sáu, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, phát triển khoa học công nghệ, các ngành, lĩnh vực mới nổi. Đẩy mạnh thương mại hoá 5G; nghiên cứu công nghệ 6G; phát triển vệ tinh viễn thông và nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia. Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Thứ bảy, tập trung thực hiện, sớm hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án dở dang, nhất là các dự án chậm tiến độ, đã kéo dài nhiều năm. Rà soát, giãn, hoãn các dự án đầu tư chưa cấp thiết, chưa đủ điều kiện thực hiện, chưa đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các dự án đầu tư mới, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của DNNN.
https://mof.gov.vn/
- Đắk Lắk thông qua dự thảo chính sách hỗ trợ cán bộ từ Phú Yên (14/07/2025, 13:56)
- Đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp (14/07/2025, 13:46)
- Cận cảnh những khu nhà sắp thành nơi ở của gần 1.000 cán bộ tỉnh Đắk Lắk (14/07/2025, 07:33)
- Xử lý nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước đảm bảo đúng mục đích, (02/07/2025, 17:54)
- Khát vọng vươn lên từ không gian phát triển mới (02/07/2025, 17:51)
- Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia triển khai cập nhật, bổ sung các chức năng đáp ứng quy định mới của Luật Đấu thầu sửa đổi (02/07/2025, 17:46)
- Đề xuất đầu tư 29.000 tỷ đồng làm cao tốc nối Phú Yên - Đắk Lắk sau sáp nhập (23/06/2025, 17:20)
- Tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn mới (23/06/2025, 17:13)
- Kỳ họp thứ Mười, HĐND tỉnh khóa X: Sẽ xem xét, đánh giá 67 nội dung thông báo, báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết (23/06/2025, 09:16)
- Đề xuất đầu tư tuyến đường sắt 169km kết nối cảng biển Phú Yên đến phố núi 120 năm tuổi xanh nhất Việt Nam (23/06/2025, 07:16)
- Đại hội Đảng bộ Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 (16/06/2025, 09:31)