Tổng cục Thuế cho biết, từ ngày 01/07/2022, thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc, số lượng hóa đơn điện tử phát hành bình quân đạt trên 10 triệu hóa đơn/ngày, tăng trên 40% so với lượng hóa đơn bình quân 1 ngày của tháng 6/2022; có ngày đạt tới trên 26 triệu hóa đơn (ngày 18/7/2022). Đến hết tháng 7/2022, đã có trên 857 triệu hóa đơn điện tử được phát hành.
Trong bối cảnh Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển, mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh mới, tiếp cận với các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu. Chính phủ đã ban hành các chương trình, đề án chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tại các Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 và Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022. Theo đó, Chính phủ xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia.
Với mục tiêu, định hướng nêu trên, thời gian qua, ngành Thuế đã tập trung triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số trong tất cả các khâu, từ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, hạch toán nghĩa vụ thuế của cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước đến công tác chỉ đạo, điều hành trong nội bộ cơ quan thuế. Đặc biệt trong năm 2021-2022, Tổng cục Thuế tổ chức triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc theo quy định của Luật Quản lý thuế và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính. Tổng cục Thuế xác định triển khai hoá đơn điện tử là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng tạo nền tảng cơ sở dữ liệu căn bản và quan trọng để thực hiện quản lý thuế trên nền tảng số, tạo động lực cho công cuộc chuyển đổi số ngành Thuế nói riêng và góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và của toàn xã nội nói chung.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, từ ngày 21/11/2021, Tổng cục Thuế đã chính thức triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố (TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định) theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Trong đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm quản lý hóa đơn điện tử tại Cơ quan thuế trên nền tảng công nghệ 4.0, hệ thống dữ liệu lớn (Big data) giúp xử lý số lượng lớn giao dịch hóa đơn, linh hoạt và đảm bảo tính an toàn bảo mật. Tổng cục Thuế cũng phối hợp với các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử hoàn thiện giải pháp, kết nối, truyền nhận dữ liệu hóa đơn điện tử, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc triển khai hóa đơn điện tử tới các nhóm tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh theo nhiều hình thức.
Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm triển khai giai đoạn 1, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC ngày 24/02/2022 về triển khai áp dụng hóa đơn điện tử giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành phố. Với phạm vi triển khai giai đoạn 2 rộng trên toàn quốc, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Ban chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử tại các tỉnh, thành phố để có kế hoạch, phương án triển khai phù hợp với đặc điểm khác nhau về văn hoá, địa lý, tình hình kinh tế, xã hội, phương thức, thói quen kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân…trên từng địa bàn.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc (ngày 21/4/2022), Tổng cục Thuế đã chỉ đạo 57 cục thuế các tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 2 tổ chức tiếp nhận và xử lý tờ khai đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử của doanh nghiệp; Tiếp nhận và cấp mã cơ quan thuế cho hóa đơn điện tử của doanh nghiệp thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã; Tiếp nhận dữ liệu hoá đơn điện tử không có mã,... đặc biệt là kết nối tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử trực tiếp từ các doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề điện lực, xăng dầu, ngân hàng, bảo hiểm,... Đến ngày 30/6/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức đang sử dụng hóa đơn hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử.
Như vậy, có thể đánh giá đến thời điểm hiện tại, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch, mục tiêu của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế nhằm đáp ứng quy định về hiệu lực thi hành của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Với mục tiêu triển khai áp dụng hoá đơn điện tử và xây dựng kho cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử tập trung làm nền tảng chuyển đổi số ngành Thuế nói riêng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và của toàn xã nội nói chung, cụ thể:
Đối với xã hội, góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp. Đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Triển khai hoá đơn điện tử là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác. Mang nhiều lợi ích chung cho xã hội như tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường.
Đối với tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ, giúp người mua dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn điện tử do người bán cung cấp; sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không cần không gian lưu trữ hóa đơn…); giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy; Sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ: sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.
Đối với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi; giảm thủ tục hành chính liên quan tới hóa đơn từ đó giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thuế; giảm chi phí liên quan tới việc gửi, bảo quản, lưu trữ hóa đơn và giảm rủi ro về việc mất hóa đơn.
Đối với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan, sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế (NNT) đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ NNT tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Góp phần thay đổi phương thức quản lý trên cơ sở ứng dụng CNTT, cải tiến các quy trình nghiệp vụ theo hướng xử lý, kiểm soát dữ liệu tự động giúp cơ quan thuế sử dụng hiệu quả nguồn lực, chi phí,… Góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử được bảo vệ bằng chữ ký số của người bán hàng, khi bị tẩy xóa (thay đổi dữ liệu) thì hóa đơn sẽ không đảm bảo tính toàn vẹn của chữ ký số. Khi có tình trạng giả mạo thì cơ quan thuế dựa vào hệ thống CNTT sẽ phát hiện được và xử lý ngay theo quy định qua đó triển khai hóa đơn điện tử góp phần quan trọng trong việc phổ cập chữ ký số trong các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên toàn quốc đồng thời thúc đẩy việc sử dụng chữ ký số trong quản lý nội bộ của doanh nghiệp. Điều này góp phần phổ cấp việc sử dụng chữ ký số trong xã hội, thúc đẩy việc triển khai remote signing, simCA.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường áp dụng trí tuệ nhân tại (AI) vào công tác quản lý thuế. Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ báo cáo Bộ triển khai Trung tâm dữ liệu Hóa đơn điện tử và phương án triển khai áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích, quản lý rủi ro từ cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý thuế.
https://mof.gov.vn/
- Thủ tướng phát động Phong trào thi đua 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số' (24/04/2025, 14:36)
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phương án sắp xếp đơn vị hành chính (24/04/2025, 11:00)
- Tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tháng 4 năm 2025 (23/04/2025, 17:04)
- Nâng cao hiệu quả công tác giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (22/04/2025, 08:33)
- Hoạch định tổ chức bộ máy khi hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên (22/04/2025, 06:49)
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII (17/04/2025, 11:17)
- Khẩn trương hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL (17/04/2025, 11:12)
- Papi Đắk Lắk năm 2024: Những con số biết nói (17/04/2025, 11:09)
- Hội nghị Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số lần thứ Nhất (17/04/2025, 11:02)
- Chuẩn bị sắp xếp lại bộ máy, các tỉnh hoàn thành quyết toán ngân sách trước ngày 30/6 (17/04/2025, 07:03)
- Hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025 (16/04/2025, 14:32)